Nhiều sản phẩm có giá trị từ phụ phẩm ngành chế biến tôm

Hàng loạt sản phẩm, giải pháp sinh học được nghiên cứu, sản xuất từ nguyên liệu đầu vỏ tôm, vỏ tôm lột và ứng dụng thành công trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngày 24/12, trong khuôn khổ các hoạt động Sàn Giao dịch công nghệ năm 2024, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM) tổ chức hội thảo "Công nghệ sản xuất các sản phẩm chứa protein thủy phân, chitosan… từ phụ phẩm vỏ tôm".

Theo bà Trần Vân Ty (Trưởng phòng Ứng dụng, Công ty CP Việt Nam Food – VNF), Việt Nam nằm trong top các quốc gia nuôi và xuất khẩu tôm lớn trên thế giới, nhờ vào các điều kiện tự nhiên thuận lợi và tập quán canh tác lâu đời. Tuy nhiên, ngành công nghiệp tôm tăng trưởng quá nhanh kéo theo lượng lớn phụ phẩm tôm (cũng như nhiều loại phụ phẩm thủy sản khác), nếu không xử lý đúng sẽ là một gánh nặng môi trường. Hiện nay, lượng phụ phẩm đầu vỏ tôm từ các nhà máy chế biến vào khoảng 200 – 300.000 tấn mỗi năm, chưa kể nguồn phụ phẩm vỏ tôm lột từ các trại nuôi tôm cũng lên đến 100 ngàn tấn/năm. Hầu hết, lượng phụ phẩm này chưa được xử lý đúng cách, mới chỉ một phần nhỏ được sử dụng để chế biến thành phân bón giá trị thấp. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, lượng phụ phẩm ngành chế biến tôm có thể lên đến 450.000 tấn vào năm 2025. Trong khi đó, phụ phẩm tôm chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể tận dụng để tạo ra các sản phẩm có giá trị, ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như dược phẩm, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, nông nghiệp, trồng trọt,…

10HDKHLVhoithaoVNFh2.jpg
Bà Trần Vân Ty (Đại diện Công ty CP Việt Nam Food – VNF) trình bày tại hội thảo

Với sứ mệnh chuyển hóa giá trị từ "nguồn dinh dưỡng đang bị thải bỏ" bằng một chiến lược toàn diện và có hệ thống, VNF đã nghiên cứu, sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ nguyên liệu đầu vỏ tôm và vỏ tôm lột. Cụ thể như nguyên liệu thực phẩm, dinh dưỡng sinh học, polymer sinh học đa chức năng, chitosan, protein thủy phân, astaxanthin, probiotics… Đây là những giải pháp sinh học có hoạt tính cao, giá thành hợp lý, an toàn cho con người, môi trường, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được xem là nguyên liệu phát thải thấp, giúp giảm phát thải ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và bền vững.

Đại diện VNF cho biết, dựa trên mô hình sản xuất không chất thải, ứng dụng công nghệ sinh học, hơn 80 dòng sản phẩm có tính thương mại hóa cao đã được sản xuất thành công từ nguyên liệu đầu vỏ tôm, và ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điển hình như bộ sản phẩm cho thực phẩm (dầu tôm, bột tôm, nước mắm chiết xuất tôm,…) với đặc điểm sản phẩm tự nhiên, ngon miệng, giàu dinh dưỡng nhờ công nghệ chiết xuất tối đa (80%) thành phần dinh dưỡng có trong nguyên liệu đầu vào. Đối với ngành chăn nuôi/thủy sản, VNF đã phát triển và cung cấp bộ sản phẩm dinh dưỡng sinh học từ đạm tôm (protein thủy phân sâu bằng enzyme đặc chủng, tạo thành phụ gia thức ăn chăn nuôi) chứa các amino acid tự do, peptide mạch ngắn dễ tiêu hóa, hấp thụ, có tính dẫn dụ cao với nhiều hoạt tính sinh học hỗ trợ sức khỏe, giúp cây trồng, vật nuôi phát triển tốt.

10HDKHLVhoithaoVNFh3.jpg
Ông Huỳnh Văn Quới (chuyên gia nông nghiệp) chia sẻ một số thông tin về hiệu quả sử dụng sản phẩm, giải pháp sinh học VNF trong lĩnh vực trồng trọt

Đối với lĩnh vực trồng trọt, VNF chiết xuất các nguyên liệu từ phụ phẩm tôm và chuyển thành các giải pháp sinh học mới cho nông nghiệp, đáp ứng xu hướng phát triển xanh và bền vững. Bộ giải pháp sinh học với các dòng sản phẩm phục vụ ngành trồng trọt như thuốc trừ bệnh/trừ nấm sinh học, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản sau thu hoạch, phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh cải tạo đất,… giúp tăng hiệu quả canh tác, giảm thất thoát tài nguyên, giảm sử dụng hóa chất, an toàn cho người sử dụng và giảm ô nhiễm môi trường. Trong đó, bộ sản phẩm chitin, chitosan là các polymer sinh học đa chức năng được chiết xuất từ vỏ tôm thông qua các quá trình khử khoáng, khử protein và deacetyl hóa. Dòng sản phẩm này có thể ứng dụng cho toàn bộ vòng đời của cây trồng, giúp kích thích tăng trưởng, tăng năng suất, giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Sản phẩm đã được sử dụng thành công cho nhiều loại cây trồng như cây lúa, cà phê, sầu riêng, rau, cà chua, chuối,…

Ngoài ra, astaxanthin được sản xuất với công nghệ chiết tách bằng dung môi dạng dầu, đảm bảo tính ổn định và độ tương thích sinh học. Đây là một loại carotenoid sắc tố đỏ hồng, được xem là "vua" của các chất chống oxy hóa. Hiện tại, VNF là một trong số ít công ty có khả năng sản xuất quy mô lớn astxanthin nguồn gốc tự nhiên từ vỏ đầu tôm.

10HDKHLVhoithaoVNFh4.jpg
Phần trao đổi, thảo luận tại hội thảo

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị ứng dụng, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản,… đã chia sẻ một số thông tin về hiệu quả ứng dụng của các sản phẩm VNF. Cụ thể như đối với vườn sầu riêng, người nông dân quan tâm bộ giải pháp nhờ hiệu quả ứng dụng trong toàn bộ chu trình của cây, giúp bảo vệ vòng đời cây; hỗ trợ cải tạo đất, tăng cường hệ vi sinh có lợi cho cây trồng, phòng trừ nấm bệnh trong đất; hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi cây, tăng khả năng kháng bệnh cho cây,… Từ đó tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, giúp người nông dân tiếp cận hướng canh tác nông nghiệp hữu cơ bền vững. Trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và thủy sản, thông tin tại hội thảo cho thấy, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện còn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng kháng sinh và các chất tổng hợp nguồn gốc hóa học dẫn đến nhiều mối nguy về sức khỏe, không chỉ ở vật nuôi mà cả con người. Giải pháp sinh học VNF với việc cung cấp bộ sản phẩm thân thiện (peptide tôm, chitosan, astaxanthin, probiotics) giúp tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm sự phụ thuộc vào bột cá, thay thế/giảm thuốc kháng sinh, chất tạo màu tổng hợp, hóa chất,… Trong đó, peptide tôm đã được chứng minh là một chất dẫn dụ nổi bật tương đương với dịch mực và tốt hơn dịch cá (ứng dụng trong thức ăn thủy sản). Các sản phẩm này đã được sử dụng thành công cho nhiều loại gia súc, gia cầm và thủy hải sản như gà, vịt, heo, cá, tôm,… Qua đó cho thấy lợi thế ứng dụng của sản phẩm sản xuất trong nước, với giá thành hợp lý và nguồn gốc tự nhiên, an toàn, giúp cải thiện năng suất và hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

VNF chia sẻ, bên cạnh những sản phẩm được phát triển và sản xuất thành công, đội ngũ mong muốn kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp ngành nuôi trồng thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, ngành nông nghiệp, trồng trọt,… để phát triển mô hình sản xuất, mở rộng áp dụng cho các loại phụ phẩm khác, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho nông nghiệp Việt Nam.
Lam Vân (CESTI)
Sử dụng công nghệ sàn giao dịch Techport
Scroll